Việt Nam đang tiến hành hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới nhằm tận dụng cơ hội để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phấn đấu trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Sự phát triển nhanh và mạnh của các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, quy hoạch và phát triển đô thị,… luôn diễn ra xung quanh và hỗ trợ cho cuộc sống của chúng ta, nhưng mặt trái của các hoạt động này là tạo ra các vấn đề về ô nhiễm và chất thải, sử dụng tài nguyên và năng lượng chưa hiệu quả. Đặc biệt, trong bối cảnh của biến đổi khí hậu, dân số gia tăng, nguồn tài nguyên hạn chế, các kiến thức về môi trường, xã hội đặc biệt cần thiết.
Là sinh viên ngành Kỹ thuật môi trường, bạn được học những gì?
Viện Nghiên cứu Môi trường và Giao thông là một đơn vị thuộc Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 3 năm 2014. Ngày 21/4/2016, Bộ GD&ĐT có quyết định số 1292/QĐ-BGDĐT cho phép Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM đào tạo ngành Kỹ thuật môi trường trình độ đại học hệ chính quy do Viện quản lý.
Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật môi trường được thiết kế với mục tiêu đào tạo Kỹ sư môi trường có kiến thức chuyên sâu và kỹ năng thực hành trong lĩnh vực kỹ thuật môi trường thông qua đào tạo lý thuyết và thực hành các lĩnh vực hoá học, sinh học… trong công nghệ môi trường, quan trắc và đánh giá tác động môi trường, công nghệ xử lý (khí thải, nước, chất thải rắn,…); kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường.
Sinh viên được thực hành Phòng thí nghiệm và đo đạc, quan trắc chất lượng môi trường ngoài thực địa
Chương trình kỹ thuật môi trường được thiết kế tại Viện có tính mới: Sinh viên năm thứ nhất đã được làm quen với môn cơ sở môi trường, được tham gia các hoạt động nghiên cứu và tư vấn môi trường của Viện, sinh viên được thực hành ngay từ năm thứ nhất và xuyên suốt 4 năm học; hoạt động thực hành bao gồm: thực hành trong phòng thí nghiệm, tham quan học tập theo chủ đề mỗi môn học: sinh thái môi trường, xử lý nước thải/khí thải, tái chế, năng lượng,…tham gia các sinh hoạt học thuật với các chuyên gia nước ngoài (Hà Lan, Thụy Điển, Singapore, Canada 1-2 lần/năm).
Do đó, ngay khi tốt nghiệp sinh viên đã có thể đủ kiến thức và khả năng làm việc tại các trung tâm nghiên cứu môi trường, cơ quan nhà nước về quản lý môi trường/tài nguyên, trung tâm phân tích chuyển giao công nghệ môi trường, trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm,… hoặc kỹ sư môi trường cho các nhà máy xí nghiệp.
Tham quan Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, Huyện Bình Chánh, TP.HCM
Tham gia các buổi sinh hoạt học thuật/ toạ đàm/ hội thảo với các chuyên gia nước ngoài
Cơ sở và năng lực đào tạo của Viện Nghiên cứu Môi trường và Giao thông
Đặc trưng của khối ngành kỹ thuật – công nghệ nói chung, ngành Kỹ thuật Môi trường nói riêng là học phải đi đôi với hành. Thế mạnh của Viện Nghiên cứu Môi trường và Giao thông:
– Về công nghệ: Ở Viện, trang bị đầy đủ các mô hình, phòng thí nghiệm đủ điều kiện để sinh viên vừa học vừa hành, nhờ đó nắm vững hơn những lý thuyết được học.
– Về thực tiễn: Tùy vào từng vấn đề liên quan đến ngành học, Viện chủ động tổ chức các buổi tham quan thực tế tại nhà máy, hay khuyến khích sinh viên lập các mô hình pilot chạy thử.
– Đội ngũ giảng viên của Viện là những Giảng viên theo các chương trình quốc tế, những chuyên gia môi trường có kinh nghiệm thực tế; giảng viên của Viện thường xuyên triển khai những đề tài nghiên cứu và chuyển giao công nghệ có tính ứng dụng cao và có những đóng góp thiết thực, nổi bật cho ngành môi trường nói chung và cho ngành giao thông nói riêng của khu vực thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, nên trong giảng dạy kết hợp cả lý thuyết và thực hành thực tiễn cho sinh viên.
Giảng viên Viện tham gia báo cáo tại các Hội thảo chuyên ngành
Với phương châm chủ động, sáng tạo, lấy người học làm trung tâm, đào tạo và nghiên cứu phải luôn mang tính thực tiễn; mục tiêu của Viện là phấn đấu trở thành một trong những đơn vị đào tạo ngành Kỹ thuật môi trường chất lượng cao, là trung tâm nghiên cứu khoa học và tư vấn dịch vụ về môi trường và giao thông hàng đầu tại khu vực phía Nam cũng như của cả nước.
Sinh viên Viện Nghiên cứu Môi trường và Giao thông năng động, sáng tạo
Cán bộ, giảng viên và sinh viên của Viện đều có các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, có các công trình nghiên cứu được công bố trên các hội nghị, hội thảo và các tạp chí trong và ngoài nước.
Sinh viên Viện thường xuyên tham gia các hoạt động ngoại khóa như tham quan, thực tập ở các doanh nghiệp có liên quan đến nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp. Nhiều sinh viên được doanh nghiệp đánh giá tốt về kiến thức và kỹ năng, được nhận chi phí hỗ trợ trong thời gian thực tập và nhận vào làm việc sau khi tốt nghiệp.
Sinh viên thực hiện đề tài NCKH
“Nghiên cứu, thử nghiệm sản xuất vật liệu xây dựng từ nguồn chất thải nhựa và chất thải bao bì Tetrapak”
Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp
Chương trình đào tạo tại Viện gắn kết chặt chẽ với các dự án ở TP.HCM và các tỉnh, nên sinh viên có nhiều cơ hội để tham gia cùng các thầy cô trong quá trình học cũng như làm đề tài tốt nghiệp. Sinh viên ra trường được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết nên tính cạnh tranh trong tìm kiếm việc làm rất cao. Ngoài ra, Viện có mối liên hệ chặt chẽ với nhiều đối tác bên ngoài nên sinh viên sẽ được giới thiệu làm đề tài tốt nghiệp, hoặc làm việc sau này.
Sinh viên thực hiện đề tài NCKH “Nghiên cứu điều chế bentonite biến tính bằng chất hữu cơ, ứng dụng để hấp phụ và xử lý một số chất ô nhiễm trong nước”
Sau khi tốt nghiệp, các kỹ sư có khả năng công tác tại:
– Làm các công việc kỹ thuật, quản lý, điều hành tại các doanh nghiệp trong các lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường, thuộc các cơ quan quản lý Nhà nước và các đơn vị sản xuất và kinh doanh như: Chi cục quản lý môi trường, các Trung tâm kỹ thuật, công nghệ môi trường, Công ty Môi trường đô thị, Các Ban Quản Lý các khu công nghiệp, Ban Quản Lý các dự án về giao thông (tàu điện ngầm, xe buýt nhanh, hầm, cầu, các dự án về đường thủy …), Công ty tư vấn thiết kế, Các nhà máy xí nghiệp…và các dự án xây dựng cơ bản…;
Lễ bảo vệ Luận văn tốt nghiệp và trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên Khoá đầu tiên (Khoá 2016) của Viện
– Quản lý, tư vấn, thiết kế cho các dự án, đặc biệt là các dự án về giao thông trong lĩnh vực đánh giá tác động môi trường, giám sát chất lượng môi trường;
– Làm việc tại các cơ quan quản lý có liên quan đến lĩnh vực môi trường;
– Tham gia giảng dạy các môn học thuộc chuyên ngành Kỹ thuật Môi trường tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề;
– Thực hiện các nghiên cứu khoa học, ứng dụng và triển khai các đề tài nghiên cứu vào trong thực tiễn ở lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên phục vụ sự phát triển bền vững tại các Viện nghiên cứu, các Trung tâm và cơ quan nghiên cứu của các Bộ, Ngành, các Trường Đại học…
Ngành Kỹ thuật môi trường không chỉ là ngành học về vấn đề ô nhiễm và xử lý ô nhiễm, mà còn về các vấn đề sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng, sản xuất và tiêu dùng bền vững; kinh tế và phát triển bền vững, qui hoạch và phát triển đô thị bền vững,…đây cũng là hướng đi của toàn cầu, nên cơ hội về học bổng đối với các khóa học ngắn hạn, hoặc các chương trình cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ rất lớn; các cơ hội giao lưu, nghiên cứu khoa học và dự án với các tổ chức là rất nhiều. Do đó chương trình cũng được xây dựng theo hướng chuẩn bị cho sinh viên sẵn sàng tiếp cận với các cơ hội này.
Tân Kỹ sư môi trường công tác tại các Viện nghiên cứu và công ty sau khi tốt nghiệp
Thông tin tuyển sinh ngành Kỹ thuật môi trường (hệ đại trà)
– Ngành: Kỹ thuật môi trường
– Mã ngành: 7520320
– Tổ hợp xét tuyển: A00, A01, B00
Thông tin liên hệ
PGS. TS. Phạm Thị Anh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Môi trường và Giao thông, Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM
Địa chỉ: Phòng C007, số 2 đường Võ Oanh, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
Website: iet.ut.edu.vn
Điện thoại: 028.35128261 Hotline: 0903156131 (Cô Anh) Email: iet@ut.edu.vn
Video giới thiệu ngành Kỹ thuật môi trường năm 2020: