Tư vấn tuyển sinh có nhiều điều cần biết

Một điểm nhấn quan trọng trong chương trình khai mạc Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT là buổi tư vấn chuyên sâu về lựa chọn nghề nghiệp. Ngày 27.2, hơn 6.000 học sinh lớp 12 tỉnh Bình Dương đã được thưởng thức “bữa tiệc” thông tin đầy thú vị.

Nộp giấy chứng nhận kết quả thi khi làm hồ sơ nhập học

Bắt đầu chương trình, PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), thông tin theo dự thảo quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ, về cơ bản kỳ thi này sẽ giữ ổn định như năm 2015. Theo đó thí sinh (TS) sẽ đăng ký dự thi tại trường THPT hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên, những TS đã tốt nghiệp từ 2015 về trước sẽ đăng ký tại các điểm do sở GD-ĐT quy định. Nếu để xét tuyển tốt nghiệp THPT, chỉ cần đăng ký 4 môn trong đó 3 môn bắt buộc (toán, văn, ngoại ngữ) và 1 môn tự chọn. TS những khu vực khó khăn được phép chọn môn thi thay thế môn ngoại ngữ. TS đăng ký xét tuyển ĐH và CĐ có thể đăng ký thêm các môn phù hợp với từng tổ hợp xét tuyển theo quy định các trường.
Đặt câu hỏi đầu tiên trực tiếp tại hội trường, HS Lương Thị Thanh Huyền, Trường THPT Trịnh Hoài Đức tỉnh Bình Dương, nói: “Có bao nhiêu cách để thi vào trường ĐH và thủ tục nộp hồ sơ như thế nào?”. PGS-TS Trần Văn Nghĩa cho biết TS có thể xét tuyển vào trường ĐH theo 2 cách: dựa vào kết quả thi THPT quốc gia và kết quả học bạ THPT. Trong đó, riêng phương thức xét bằng kết quả thi THPT quốc gia TS cần lưu ý vì có nhiều điểm điều chỉnh so với năm ngoái. Cụ thể, mỗi TS chỉ được cấp 1 giấy chứng nhận kết quả của trường tổ chức thi nhưng không dùng giấy này để nộp hồ sơ xét tuyển mà sẽ sử dụng khi nộp hồ sơ nhập học. Trong đó, ở đợt xét đầu tiên TS được đăng ký tối đa 2 trường (mỗi trường tối đa 2 ngành) và các đợt xét tuyển bổ sung đăng ký tối đa 3 trường (mỗi trường tối đa 2 ngành). Đặc biệt, năm nay TS không nộp hồ sơ trực tiếp tại trường ĐH, CĐ mà đăng ký qua bưu điện hoặc trực tuyến.

Vận dụng thêm kiến thức thực tiễn

Về đề thi, PGS-TS Trần Văn Nghĩa thông tin cấu trúc đề thi hoàn toàn giống 2015 với 2 nhóm câu hỏi: nhóm câu hỏi để HS trung bình có thể đỗ tốt nghiệp, nhóm thứ 2 nhằm phân loại thí sinh xét tuyển ĐH và CĐ. Định hướng ra đề thi tiếp tục theo hướng giảm học thuộc lòng, hướng tới đánh giá năng lực TS. Ví dụ, đề lịch sử không đòi hỏi TS phải nhớ sự kiện, môn ngữ văn có thể vận dụng thêm kiến thức thực tiễn…
Một HS Trường THPT Trịnh Hoài Đức băn khoăn: “Quy chế thi nay năm tính việc làm tròn điểm bài thi như thế nào, đề thi môn ngoại ngữ sẽ có 3 ý như năm rồi hay cho thí sinh viết tự do?”. PGS-TS Trần Văn Nghĩa thông tin cấu trúc đề thi năm nay sẽ giống như năm 2015 ở tất cả các môn, kể cả môn ngoại ngữ. Về quy định làm tròn điểm thi, năm trước bài thi theo thang điểm 100 và quy về thang điểm 10 nên TS đạt 6,4 và TS đạt 6,6 điểm đều quy về 6,5 điểm. Tuy nhiên năm nay trường hợp này không được làm tròn nhằm tránh tình trạng TS bị thiệt.
Một HS hỏi điểm liệt là mấy điểm, nếu thi trắc nghiệm đánh nhiều câu liên tiếp giống nhau thì có bị điểm liệt hay không? Tiến sĩ Nghĩa cho biết: “Nếu các em bị 1 điểm thì đó là điểm liệt, sẽ không đủ điều kiện tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ. Các em có quyền đánh dấu một phương án cho nhiều câu miễn là đúng luật, nhưng sẽ có khả năng bị điểm liệt nếu tất cả các câu đều sai”.

tu-van-tuyen-sinh
Tư vấn tuyển sinh tại Bình Dương
tu-van-16_pfqe
Tư vấn tuyển sinh tại Bình Dương
tu-van-19_ummn
Tư vấn tuyển sinh tại Bình Dương

Tư vấn tuyển sinh – Cách chọn ngành khoa học

Với góc nhìn của đơn vị đào tạo, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, nhìn nhận: “Có không ít TS lựa ngành học nhưng không hiểu được rằng chúng ta đang lựa chọn một nghề nghiệp sẽ gắn bó với chúng ta trong suốt quãng đời còn lại chứ không đơn giản một ngành để theo học”.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn đưa ra lời khuyên lựa chọn ngành nghề cần thực hiện một cách khoa học, và bước đầu tiên của quá trình này là học sinh nên tham gia hình thức trắc nghiệm để biết bản thân phù hợp với ngành nghề nào. Thạc sĩ Sơn còn ví von khi cho rằng chọn nghề giống như lựa chọn một người vợ để sống chung cả cuộc đời. Vì thế, bên cạnh việc tự mình tìm hiểu đặc trưng ngành nghề đó từ thông tin trên mạng, kinh nghiệm của người thân trong gia đình và thầy cô là tư liệu quý báu.
Cũng theo thạc sĩ Sơn, sau khi tìm được nghề yêu thích, việc cần làm tiếp theo là tìm hiểu trường đào tạo các ngành này. Kế đến tiếp tục lọc thông tin liên quan đến học phí, điểm chuẩn của từng trường để chọn nơi học phù hợp nhất với khả năng bản thân và hoàn cảnh gia đình. “Tuy nhiên khi tham khảo điểm số, TS cần lưu ý đừng quá ảo tưởng về mức điểm xét tuyển các trường công bố khi nhận hồ sơ vì thực tế điểm trúng tuyển sẽ khác rất xa”, thạc sĩ Sơn lưu ý.
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ