NGÀNH KỸ THUẬT XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH THUỶ
Chuyên ngành XÂY DỰNG VÀ QUẢN LÝ CẢNG – CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG THUỶ
- Mã ngành xét tuyển: 7580202 (Chương trình chuẩn)
- Tổ hợp môn xét tuyển: A00, A01, D01, D07
__________________________________
“KỸ THUẬT XÂY DỰNG VÀ QUẢN LÝ CẢNG – CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG THUỶ” – một chuyên ngành với hơn 20 năm hình thành và phát triển
Với bề dày hơn 20 năm giảng dạy của đội ngũ giảng viên, chuyên ngành XÂY DỰNG VÀ QUẢN LÝ CẢNG – CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG THUỶ luôn được đảm bảo chất lượng, đứng vững và phát triển với vai trò chuyên ngành đào tạo chủ lực của Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh.
Giới thiệu chung
Chương trình nhằm mục tiêu đào tạo cử nhân Ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy có năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khỏe tốt, đáp ứng nhu cầu lao động có trình độ kỹ thuật cao của đất nước.
Mục tiêu của chương trình
- Áp dụng kiến thức khoa học tự nhiên và xã hội trong công việc và cuộc sống;
- Đề xuất phương án thiết kế, thi công và quản lý dự án công trình thủy;
- Kết hợp các kỹ năng mềm và chuyên môn để giải quyết các vấn đề chuyên sâu về kỹ thuật xây dựng;
- Làm việc độc lập, theo nhóm có hiệu quả và trách nhiệm.
Hoạt động sinh viên
Trong 4 năm học tại trường, người học được trang bị những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao để phát triển toàn diện về chuyên ngành, có những kỹ năng cần thiết để đảm đương công việc của chuyên viên kỹ thuật chuyên ngành Kỹ thuật xây dựng và quản lý cảng – công trình giao thông thủy. Bên cạnh kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành, người học còn được trang bị khối kiến thức cơ bản về xây dựng để có thể tham gia trong tất cả các lĩnh vực xây dựng bao gồm cả xây dựng dân dụng và xây dựng cầu đường.
- Học tập, thực hành: Ngoài những giờ học lý thuyết trong giảng đường, sinh viên sẽ được trải nghiệm hoạt động học tập trong phòng thí nghiệm. Phòng thí nghiệm được trang bị tương đối đầy đủ các máy móc cần thiết cho nhu cầu học tập của SV và phân tích dịch vụ bên ngoài. Ngoài ra, sinh viên cũng sẽ được tham quan và học tập thực tế tại các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông.
- Nghiên cứu khoa học: Sinh viên được tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học do viện Xây dựng và Nhà trường tổ chức. Những đề tài xuất sắc sẽ được lựa chọn tham dự giải thưởng Euréka do Thành đoàn TP. HCM tổ chức.
Sinh viên tham quan chuyên môn tại Phòng thí nghiệm thủy động lực sông biển tại Bình Dương
Sinh viên tham quan chuyên môn tại Trung tâm điều khiển Âu tàu Rạch Chanh
Sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học
Sinh viên tham gia Hội trại truyền thống của Khoa
Các thế hệ sinh viên trong ngày kỷ niệm 20 năm thành lập ngành KTXD Công trình thủy
Nhu cầu nhân lực
Cảng biển là một phần rất quan trọng của hệ thống Logistics và của mạng lưới sản xuất thương mại toàn cầu. Theo dự báo của các chuyên gia, tổng sản lượng hàng hóa của các cảng biển Việt Nam dự kiến đạt trên 1,5 tỷ tấn vào năm 2030 với mức tăng trưởng bình quân 8,5% mỗi năm. Số liệu trên phản ánh nhu cầu ngày càng tăng đối với đầu tư xây dựng cảng biển cùng các công trình phục vụ giao thông thủy. Qua đó cho thấy xã hội đang rất cần nguồn nhân lực có chất lượng tốt về chuyên ngành Kỹ thuật xây dựng và quản lý cảng – công trình giao thông thủy.
Bên cạnh đó, Việt Nam có lợi thế rất lớn về giao thông thủy như: hệ thống sông ngòi dày đặc; đường bờ biển dài 3260 km từ Bắc xuống Nam, chiếm tỷ lệ khoảng 100 km2 đất liền/1 km bờ biển (mức trung bình trên thế giới 600 km2 đất liền/1 km bờ biển); hơn 3.000 hòn đảo; các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia rộng hơn 1 triệu km2 (gấp 3 lần diện tích đất liền). Bên cạnh lợi thế về giao thông thủy, với sự phát triển của xã hội thì nhu cầu trị thủy, bảo vệ tài nguyên nước, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng đang vô cùng cấp thiết. Với những lợi thế trên, có thể nói “Tiềm năng phát triển của chuyên ngành Kỹ thuật xây dựng và quản lý cảng – công trình giao thông thủy là vô cùng lớn!”.
Khi xã hội ngày càng phát triển, chúng ta sẽ càng đối diện với những vấn đề thách thức về giao thông thủy, về bảo vệ tài nguyên nước, về phòng chống lũ lụt và thiên tai…, do vậy ngày càng cần có nhiều công trình liên quan đến nguồn nước cần phải xây dựng. Với chuyên ngành Kỹ thuật xây dựng và quản lý cảng – công trình giao thông thủy, sinh viên ra trường, cơ hội việc làm là rất lớn.
Cơ hội việc làm
Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, người học có thể đảm nhiệm các vị trí: cán bộ tư vấn thiết kế, giám sát thi công, thi công, quản lý các công trình cảng và giao thông thủy. Người học có thể làm việc tại:
- Các công ty tư vấn thiết kế và giám sát công trình cảng và giao thông thủy
- Các tập đoàn, công ty thầu xây dựng công trình cảng và giao thông thủy
- Các ban quản lý dự án xây dựng cảng và các công trình giao thông thủy
- Các cơ quan nhà nước về quy hoạch và quản lý công trình giao thông thủy
- Các viện, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ xây dựng
- Các viện nghiên cứu ứng dụng về xây dựng và quản lý công trình thủy
Yêu cầu về thực hiện công việc
Sau khi tốt nghiệp, người học có đủ khả năng thực hiện công việc được giao; đáp ứng được nhiệm vụ và yêu cầu cụ thể của công việc theo các tiêu chí về chuyên môn liên quan đến xây dựng và quản lý cảng – công trình giao thông thủy, được mô tả cụ thể trong công việc đó.
Tỉ lệ sinh viên ra trường hàng năm có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp: theo số liệu khảo sát trong nhiều nằm, trung bình khoảng 98% sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật xây dựng và quản lý cảng – công trình giao thông thủy sau khi tốt nghiệp đều tìm được việc làm phù hợp hoặc tự tạo được việc làm cho mình. Nhiều cựu sinh viên của trường hiện nay đang làm trong các viện nghiên cứu, cơ quan quản lý, các công ty tư vấn, xây dựng công trình thủy, quy hoạch quản lý tài nguyên nước hàng đầu trên cả nước.
Nhiều thế hệ sinh viên ra trường đang làm việc tại các công xây dựng danh tiếng như:
- Công ty Cổ phần Tư vấn và xây dựng Thịnh Long;
- Công Ty Cổ Phần Tư Vấn Đầu Tư Và Xây Dựng Hưng Nam;
- Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế Cảng – Kỹ thuật Biển (PortCoast);
- Công ty Royal Haskoning-DHV Vietnam;
- Ban Quản Lý Các Dự Án Đường Thủy Nội Địa Phía Nam;
- Tổng Công ty Xây dựng Đường thủy (VINAWACO);
- Cty CP tư vấn xây dựng Công trình hàng hải (CMP);
- Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (SIWRR);
- Trung Tâm Quản Lý Đường Thủy (thuộc Sở GTVT TPHCM);
- Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Hưng Nghiệp;
- Cảng vụ đường thủy nội địa – khu vực 3;
- Công Ty Cổ Phần Đầu Tư, Xây Dựng và Nạo Vét Đường Thủy (CIWACO);
- Công ty cổ phần đầu tư Phan vũ (PhanVu Group);
- Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Tuấn Lộc;
- Tổng Công Ty Tân Cảng Sài Gòn;
- Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Thương mại Hoàng Hà;
- Công ty Cổ Phần Tư Vấn Thiết Kế và Xây Dựng NESSHIN;
- Chi Cục Đường Thuỷ Nội Địa Phía Nam.
Cấu trúc của chương trình đào tạo
Chi tiết xem tại link: http://daotao.ut.edu.vn/?mid=43
Website VIỆN XÂY DỰNG: https://ice.ut.edu.vn/