Đã từng trải qua thời kỳ hưng thịnh của ngành hàng hải. Những năm 2008, 2009 lĩnh vực vận tải biển không tránh khỏi đợt suy thoái của nền kinh tế kéo theo hàng trăm công ty, tập đoàn vận tải biển lớn thua lỗ và đứng trước nguy cơ phá sản. Điều đó khiến số lượng lớn thuyền viên không còn mặn mà với nghề đi biển. Số học sinh tham gia đăng ký học khối ngành đi biển (hàng hải) trình độ đại học, cao đẳng kể cả trung cấp và sơ cấp cũng giảm mạnh từ những năm tiếp theo.

Hệ quả là các năm gần đây, khi nền kinh tế phục hồi và phát triển mạnh mẽ, vận tải biển trở về đúng vị thế của nó trong nền kinh tế; loại hình vận tải đảm nhận hơn 75% lượng hàng hóa vận chuyển trên thế giới, thì nguồn nhân lực hàng hải lại thiếu trầm trọng. Các chủ tàu lâm vào cảnh “thừa việc, thiếu người”.

Trong cơn khát đó, đại dịch Covid-19 một lần nữa làm đình trệ hàng hóa lưu thông. Đây là thách thức và cũng là cơ hội cho ngành vận tải biển bứt phá do dư lượng hàng hóa tồn đọng sau dịch là rất lớn. Bằng chứng cho thấy, các công ty, chủ tàu, trung tâm cung ứng thuyền viên trong nước và quốc tế ngay sau khi giãn cách xã hội ở Việt Nam được nới lỏng đã khẩn trương tuyển dụng thuyền viên. Mức lương các chủ tàu của Việt Nam chào tuyển dụng từ 12 – 15 triệu/tháng đối với thủy thủ và thợ máy; các chức danh cao hơn như sỹ quan vận hành, sỹ quan quản lý dao động từ 30 – 120 triệu/tháng. Riêng thị trường “đánh thuê” cho các tàu vận tải biển nước ngoài, mức lương thấp nhất cho thủy thủ và thợ máy cũng đã lên đến hơn 1.100 USD/tháng; còn các chức danh quản lý khác thì dao động 6.500 – 10.000 USD/tháng (130 – 230 triệu/tháng).

Đây là một cơ hội thực sự lý tưởng cho nhân lực ngành Hàng hải

Năm 2020, PGS.TS. Võ Công Phương – Viện trưởng viện Hàng hải còn cho biết thêm: ngoài cơ hội việc làm rộng mở, mức lương hấp dẫn cho nhân lực ngành Hàng hải, công tác đào tạo ngành Hàng hải của Trường cũng có nhiều đổi mới. Các chuyên ngành đi biển (Điều khiển tàu biển, Vận hành khai thác máy tàu thủy, Công nghệ máy tàu thủy, Quản lý hàng hải, Điện tàu thủy) trong năm tới sẽ được học tập và ở ký túc xá tập trung. Sinh viên ngành Hàng hải được rèn luyện trí lực, thể lực, tính kỷ luật xuyên suốt trong thời gian học tập; đảm bảo ra trường các bạn sẽ thích ứng được ngay với các môi trường làm việc chuyên nghiệp, hội nhập nhanh vào thị trường lao động quốc tế. Viện Hàng hải tiến tới xây dựng môi trường học tập và rèn luyện tương đương các trường đại học Hàng hải tiên tiến trên thế giới; đảm bảo đúng các yêu cầu của Tổ chức Hàng Hải quốc tế (IMO) quy định về cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo dành người đi biển (STCW 78/95/2010).