Sử dụng mã vạch để xét tuyển

Theo dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2015, thí sinh sẽ sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch để đăng ký xét tuyển.

Việc xét tuyển sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch có những tiện lợi nhưng bên cạnh đó cũng có những phát sinh đã được các chuyên gia tư vấn phân tích rất chi tiết như sau:

Tiện lợi cho thí sinh và trường

Theo thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, kỳ tuyển sinh vừa rồi trường cũng đã sử dụng mã vạch trong giấy báo trúng tuyển, tích hợp dữ liệu gồm danh sách trúng tuyển, số báo danh, mã số sinh viên… Thí sinh nhập học chỉ cần quét mã vạch là sẽ hiện ra đầy đủ thông tin, nhân viên không cần phải mất thời gian nhập lại dữ liệu… Đó là một lợi ích nhìn thấy được. “Tuy nhiên, vì còn là dự thảo, chưa chính thức và chưa có hướng dẫn nên hiện nay nhiều trường cũng chưa hình dung ra quy trình sử dụng mã vạch để xét tuyển như thế nào? Chắc chắn để nó thể hiện tính ưu việt thì Bộ sẽ phải cung cấp một cơ sở dữ liệu chung trên toàn quốc. Dữ liệu đó bao gồm những thông tin gì, có điểm thi của thí sinh không, có được cập nhật liên tục bởi các trường hay không?”, thạc sĩ Vũ băn khoăn.

tu-van-tuyen-sinh-01

Thạc sĩ Lê Ngọc Tứ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng việc dùng mã vạch nếu được thống nhất trên toàn quốc, tất cả các trường đều sử dụng dữ liệu chung thì hy vọng sẽ giảm được thí sinh ảo. Ông Tứ nhận định: “Lúc đó thí sinh dùng phiếu để xét tuyển vào trường nào, ngành nào, số điểm bao nhiêu, có trúng tuyển hay không… thì tất cả các trường đều nắm được”.

Phát sinh rắc rối nếu…

Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, cho rằng: “Nếu các trường tuân thủ quy trình của Bộ trong việc sử dụng dữ liệu chung này thì không có vấn đề gì, nhưng nếu có trường vì lý do nào đó xét tuyển mà không đưa lên phần mềm này thì sao, Bộ có kiểm soát được hay không? Ngược lại, nếu như thí sinh rút hồ sơ rồi, mà trường đó không xóa bỏ dữ liệu thì như thế nào, có thiệt thòi cho thí sinh không?”.

Ngoài ra, tiến sĩ Trần Mạnh Thành nêu còn sự rắc rối và nhiễu loạn khi năm nay có đến hơn 200 trường có phương án tuyển sinh riêng. Có trường xét học bạ lên tới 60% chỉ tiêu, có trường chỉ lấy điểm của 2 học kỳ lớp 12 nên tuyển rất dễ dàng. Tiến sĩ Thành dẫn chứng cụ thể: “Sẽ phát sinh không ít trường hợp thí sinh nộp kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét nhưng song song đó vẫn dùng học bạ để xét. Nếu cơ hội trúng tuyển bằng học bạ cao hơn thì chắc chắn thí sinh sẽ dùng học bạ. Như vậy thông tin về thí sinh trên dữ liệu chung kia sẽ là thông tin ảo vì thực tế thí sinh không dùng kết quả đó nữa”.

Trưởng phòng đào tạo của một trường ĐH đặt vấn đề liệu có phần mềm nào đủ chứa dung lượng thông tin khổng lồ của hàng triệu thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia để hệ thống có thể chạy tốt mà không bị trục trặc. Đồng thời, các trường sẽ phải sắm thiết bị mã vạch nào cho đồng bộ, hay bất cứ thiết bị nào quét được là được?

Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ cho rằng Bộ cần quy định rõ ràng thời gian mở đầu và kết thúc của từng đợt xét tuyển, sau mỗi đợt Bộ phải tổng hợp dữ liệu để khóa lại những thí sinh đã trúng tuyển thì mới tránh được những rắc rối, trên tinh thần các trường phải thực hiện nghiêm túc việc cập nhật thông tin của thí sinh nộp hồ sơ và rút hồ sơ.

Theo nguồn: Báo Thanh Niên.