NGÀNH KỸ THUẬT XÂY DỰNG

1. Chuyên ngành XÂY DỰNG DÂN DỤNG VÀ CÔNG NGHIỆP

  • Mã ngành xét tuyển: 7580201 (Chương trình chuẩn)
  • Tổ hợp môn xét tuyển: A00, A01, D01, D07

2. Chuyên ngành KỸ THUẬT KẾT CẤU CÔNG TRÌNH

  • Mã ngành xét tuyển: 7580201 (Chương trình chuẩn)
  • Tổ hợp môn xét tuyển: A00, A01, D01, D07

3. Chuyên ngành KỸ THUẬT NỀN MÓNG VÀ CÔNG TRÌNH NGẦM

  • Mã ngành xét tuyển: 7580201 (Chương trình chuẩn)
  • Tổ hợp môn xét tuyển: A00, A01, D01, D07

4. Chuyên ngành THIẾT KẾ NỘI THẤT

  • Mã ngành xét tuyển: 7580201 (Chương trình chuẩn)
  • Tổ hợp môn xét tuyển: A00, A01, D01, D07

__________________________________

Giới thiệu về ngành

Ngành xây dựng chiếm vị thế trung tâm trong các ngành của xã hội bởi ngành này tạo cơ sở hạ tầng cho các ngành khác phát triển. Ngành xây dựng chiếm khoảng 6% GDP toàn cầu, trong khi ở Việt Nam ngành xây dựng luôn tăng trưởng mạnh, xấp xỉ 9%/năm trong các năm gần đây,. Tỷ lệ đô thị hóa ở nước ta ở mức cao, xấp xỉ từ 35 đến 40%, kéo theo nhu cầu nhà ở cũng như các công trình hạ tầng tăng cao. Dự báo nhu cầu nhân lực ngành xây dựng mỗi năm tăng thêm 400 đến 500 ngàn người. Các lý do trên tạo nhu cầu cao về việc làm trong ngành xây dựng ở nước ta.

Ngành Kỹ thuật xây dựng được đào tạo tại trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM từ năm 2007 và nhiều thế hệ kỹ sư đã tốt nghiệp và đang làm việc tại nhiều tập đoàn và công ty lớn hoạt động về xây dựng như Coteccons, Hòa Bình, CC1, Nagecco, Nam Công, Delta, An Phong v.v… Điều đó đã khẳng định được chất lượng đào tạo của Nhà trường thông qua nhiều tiêu chí nhằm đáp ứng yêu cầu cao và chuyên nghiệp của nhà tuyển dụng hiện nay.

Ngành kỹ thuật xây dựng trang bị cho sinh viên những kiến thức chuyên môn, kỹ năng và thái độ làm việc chuyên nghiệp để đáp ứng tốt yêu cầu của xã hội. Sinh viên được học lý thuyết và thực hành thông qua nhiều môn học hấp dẫn dưới phương pháp dạy và học chủ động, sáng tạo cùng với sự trải nghiệm thông qua thực tập tại các công ty xây dựng nhằm tạo hứng thú và kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên.

Cơ sở và năng lực đào tạo

  • Đội ngũ giảng viên giỏi về chuyên môn, nhiều kinh nghiệm thực tế và luôn tận tâm trong giảng dạy. Nhiều giảng viên có trình độ tiến sĩ được đào tạo tại nhiều trường đại học uy tín ở nước ngoài.
  • Cơ sở vật chất như các phòng thí nghiệm và thực hành được trang bị hiện đại, nhiều thiết bị đạt chuẩn quốc tế.
  • Chương trình đào tạo được rà soát và cập nhật thường xuyên;
  • Tổ chức đào tạo được vận hành theo ISO 9001:2015.

Sự giống và khác biệt giữa 3 chuyên ngành

Cả 3 chuyên ngành đều có cùng thời gian đào tạo 4.5 năm, trang bị các kiến thức và kỹ năng chung về ngành kỹ thuật xây dựng nhằm đào tạo người kỹ sư có thể thực hành thiết kế và thi công trọn vẹn các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp với các quy mô khác nhau. Tuy nhiên mỗi chuyên ngành có sự khác biệt theo hướng chuyên môn:

1. Chuyên ngành XÂY DỰNG DÂN DỤNG VÀ CÔNG NGHIỆP (7580201): người học được trang bị nhiều hơn các kiến thức về kỹ thuật, tổ chức thi công và quản lý xây dựng;

2. Chuyên ngành KỸ THUẬT KẾT CẤU CÔNG TRÌNH (7580201): người học được trang bị nhiều hơn các kiến thức phục vụ cho phân tích và thiết kế kết cấu công trình xây dựng;

3. Chuyên ngành KỸ THUẬT NỀN MÓNG VÀ CÔNG TRÌNH NGẦM (7580201): người học được trang bị nhiều hơn các kiến thức về thiết kế và thi công các bộ phận/kết cấu ngầm như móng, tầng hầm, tường chắn, hầm chui…

Kiến thức và kỹ năng đạt được sau tốt nghiệp

Sau khi tốt nghiệp, người học có kiến thức cơ bản về toán học, khoa học tự nhiên; các kiến thức về cơ sở ngành, các nguyên lý cơ bản về cơ học, kiến trúc, vật liệu, hệ thống kỹ thuật công trình và công nghệ xây dựng. Sau đó là các kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành như thiết kế, kỹ thuật và tổ chức thi công; phân tích kinh tế, quản lý các loại công trình dân dụng và công nghiệp. Từ đó, kỹ sư hoàn toàn có thể tham gia, chủ trì thiết kế, thi công và giám sát công trình xây dựng.

Chương trình đào tạo cũng trang bị cho người học nhiều kỹ năng chuyên môn như tin học và ngoại ngữ (tiếng Anh) để người học có thể thích ứng và làm việc ngay sau khi ra trường, đặc biệt đáp ứng môi trường làm việc cho công ty nước ngoài.

Cơ hội việc làm và học tập nâng cao sau tốt nghiệp

Sau khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật xây dựng, người học có khả năng đảm nhận các công việc liên quan như:
– Khảo sát, tư vấn thiết kế, thẩm tra, đấu thầu các công trình dân dụng và công nghiệp;
– Tổ chức thi công, giám sát, quản lý dự án, quản lý chất lượng và an toàn lao động các công trình dân dụng và công nghiệp;
– Công tác tại các doanh nghiệp chế tạo vật liệu xây dựng, kiểm định và thí nghiệm vật liệu và kết cấu xây dựng;
– Tham gia vào các công việc điều hành, quản lý trong các ban quản lý dự án, các sở, ban, ngành có liên quan đến xây dựng;
– Giảng dạy, nghiên cứu trong các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng và dạy nghề hoặc công tác trong các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực xây dựng;
– Học nâng cao trình độ chuyên sâu, sau đại học hoặc liên thông văn bằng hai với các ngành khác.

Theo khảo sát, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành năm đầu tiên là trên 90%. Nhiều kỹ sư ra trường đang nắm giữ nhiều vị trí cao trong quản lý và điều hành như trưởng phòng, chủ trì thiết kế, chỉ huy trưởng công trường, giám sát trưởng, phó giám đốc và giám đốc nhiều doanh nghiệp xây dựng. Ngoài ra, kỹ sư cũng có thể lựa chọn học tập nâng cao trình độ chuyên sâu như thạc sĩ và tiến sĩ, và có thể làm việc với tư cách cán bộ nghiên cứu khoa học và công nghệ tại các viện nghiên cứu; làm cán bộ giảng dạy tại các cơ sở đào tạo đại học và cao đẳng.

Dự báo nhu cầu nhân lực ngành xây dựng mỗi năm tăng thêm từ 400 – 500 ngàn người do nước ta cần xây dựng nhiều công trình nhà ở (tăng khoảng 50 triệu m2 sàn/năm) và hạ tầng. Đây sẽ là cơ hội lý tưởng để kỹ sư ngành Xây dựng dễ dàng tìm được việc làm với mức thu nhập cao.

Ngoài ra, kỹ sư xây dựng cũng có thể làm việc cho các doanh nghiệp trong khu vực ASEAN bởi thị trường xây dựng các nước khu vực này rất năng động và phát triển mạnh; do đó tạo nhiều cơ hội việc làm cho kỹ sư xây dựng Việt Nam. Đã có nhiều kỹ sư Việt Nam làm xây dựng tại Singapore, Thái Lan, Campuchia, Malaysia và Myanmar.

Công trình dân dụng và công nghiệp

Cấu trúc của chương trình đào tạo

Chi tiết xem tại link: http://daotao.ut.edu.vn/?mid=43

4. Chuyên ngành THIẾT KẾ NỘI THẤT (7580201)

Mục tiêu chương trình

Chương trình đào tạo chuyên ngành Thiết kế nội thất được xây dựng và triển khai nhằm mục tiêu đào tạo những chuyên gia thiết kế và thi công nội thất, có phẩm chất chính trị và đạo đức, có kiến thức để thiết kế và triển khai các công trình nội thất độc đáo, sáng tạo và bền vững. Chương trình đào tạo trang bị cho người học các kỹ năng thiết kế và sáng tạo, kỹ năng đọc hiểu và phân tích các yêu cầu của khách hàng, kỹ năng sử dụng các công cụ và phần mềm thiết kế chuyên nghiệp, kỹ năng thi công, quản lý dự án và kỹ năng giao tiếp hiệu quả với khách hàng và các đối tác. Chương trình đào tạo cũng bồi dưỡng cho người học tinh thần cầu tiến, trách nhiệm, linh hoạt, chủ động và khả năng cập nhật các xu hướng thiết kế và vật liệu mới.

Cơ hội việc làm

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế nội thất, người học có khả năng đảm nhận các công việc liên quan như:
– Khảo sát, tư vấn, thiết kế, phát triển ý tưởng cho không gian nội thất;
– Tổ chức đấu thầu, thi công, giám sát, quản lý dự án các dự án nội thất;
– Công tác tại các doanh nghiệp sản xuất và chế tạo vật liệu nội thất, các công ty trang trí nội thất;
– Tự mở công ty thiết kế nội thất của riêng mình và điều hành dự án nội thất từ khâu thiết kế đến triển khai thực hiện;
– Giảng dạy, nghiên cứu trong các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng và dạy nghề trong lĩnh vực thiết kế nội thất;
– Học nâng cao trình độ chuyên sâu, sau đại học hoặc liên thông văn bằng hai với các ngành khác.

Nội thất nhà ở và văn phòng

Website VIỆN XÂY DỰNG: https://ice.ut.edu.vn/