NGÀNH KỸ THUẬT XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG

1. Chuyên ngành XÂY DỰNG CẦU ĐƯỜNG

  • Mã ngành xét tuyển: 7580205 (Chương trình chuẩn)
  • Tổ hợp môn xét tuyển: A00, A01, D01, D07

2. Chuyên ngành XÂY DỰNG ĐƯỜNG BỘ

  • Mã ngành xét tuyển: 7580205 (Chương trình chuẩn)
  • Tổ hợp môn xét tuyển: A00, A01, D01, D07

3. Chuyên ngành XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG ĐÔ THỊ

  • Mã ngành xét tuyển: 7580205 (Chương trình chuẩn)
  • Tổ hợp môn xét tuyển: A00, A01, D01, D07

4. Chuyên ngành XÂY DỰNG ĐƯỜNG SẮT – METRO

  • Mã ngành xét tuyển: 7580205 (Chương trình chuẩn)
  • Tổ hợp môn xét tuyển: A00, A01, D01, D07

__________________________________

1. Chuyên ngành XÂY DỰNG CẦU ĐƯỜNG (7580205)

Chuyên ngành Xây dựng cầu đường là một trong những ngành đào tạo chủ lực của Khoa Công Trình Giao Thông trong gần 20 năm qua. Các giảng viên ngành Cầu Đường là những người thầy đầy tâm huyết với sinh viên và có trình độ chuyên môn cao, hơn 80% giảng viên có trình độ Tiến sỹ và được đào tạo từ các nước phát triển như Anh, Pháp, Đức, Nga, Hàn Quốc… Vì vậy, trong suốt thời gian qua, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tự tin tìm việc đúng chuyên ngành đã được học, nhiều sinh viên trường đã trở thành các Kỹ sư có trình độ chuyên môn cao và cán bộ nồng cốt trong các công ty tư vấn, sở ban ngành … đặc biệt là khu vực Miền Trung và phía Nam. Nhiều sinh viên đã trở thành các nhà nghiên cứu khoa học mang tầm quốc tế ở các trường đại học lớn, các viện nghiên cứu trên thế giới như Đại học Bristol (Anh Quốc), Đại học New South Wales (Úc), Đại học Luân Đôn (Anh Quốc), … Theo khảo sát tình hình tìm việc làm của SV sau khi tốt nghiệp trong những năm gần đây (2017 đến 2018): Đối với các ngành thuộc Khoa CTGT thì có đến 94% SV có việc làm đúng chuyên ngành, và riêng ngành Cầu Đường là 100% (theo Báo cáo số 891/BC-ĐHGTVT/2018).

Trường luôn có chiến lược xây dựng chương trình đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, tài liệu học tập, phòng thí nghiệm đầy đủ để phục vụ cho sinh viên có được môi trường học tập tốt nhất để SV sau khi tốt nghiệp ngành Cầu Đường không những đạt trình độ cao đúng chuyên ngành của mình mà còn có khả năng thích nghi làm việc ở nhiều ngành thuộc lĩnh vực khác như: Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Thủy lợi, Cảng công trình biển, …

Các công việc SV có thể tham gia sau khi tốt nghiệp bao gồm: khảo sát và tư vấn thiết kế; tư vấn đầu tư trong lĩnh vực Xây dựng cho các tổ chức tín dụng; tư vấn giám sát; quản lý dự án; thi công công trình; công tác nghiên cứu tại các Trường ĐH, các Viện nghiên cứu trong và ngoài nước; …

Việc phát triển giao thông vận tải, đặc biệt là lĩnh vực Cầu Đường, có ý nghĩa quan trọng để tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy vốn đầu tư cho ngành luôn chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Năm 2016 nguồn vốn cho Bộ Giao thông chiếm gần 30% trong tổng nguồn vốn của 10 Bộ ngành khác nhau, năm 2017 chiếm khoảng 50% và năm 2018 chiếm khoảng 30%. Hiện nay nhiều dự án Cầu đường mang tầm quốc gia như Dự án cao tốc Bắc Nam, Dự án vành đai ven biển … vốn lên tới hàng trăm nghìn tỉ đồng đang triển khai. Riêng tại TP. HCM, năm 2019-2020, Sở GTVT cho biết TP sẽ triển khai khoảng 138 dự án giao thông đường bộ trong thành phố như dự án đường ven sông (18277 tỉ đồng), dự án Cầu Cát Lái (339 triệu đô), cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4… Điều đó cho thấy tiềm năng phát triển của ngành Cầu đường là rất lớn. Đây là cơ hội cho SV sau khi tốt nghiệp khẳng định giá trị bản thân, tạo nên nhiều ích lợi cho gia đình và cho xã hội.

2. Chuyên ngành XÂY DỰNG ĐƯỜNG BỘ (7580205)

Giao thông vận tải luôn là mạch máu lưu thông của mỗi quốc gia, giữ vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển về mọi mặt của đất nước. Trong đó, giao thông vận tải đường bộ là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội. Với lợi thế vận chuyển từ cửa đến cửa, vận tải bằng đường bộ luôn thực hiện vận chuyển một khối lượng hàng hoá, hành khách rất lớn. Tỷ trọng vận tải bằng đường bộ chiếm trên 70% hàng hóa và 90% hành khách vận chuyển toàn ngành. Vì vậy, cần được ưu tiên đầu tư phát triển để tạo tiền đề, làm động lực phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, đáp ứng tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Nhận thức được điều đó, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã, đang và sẽ dành sự quan tâm rất lớn cho đầu tư phát triển và sớm hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Theo định hướng phát triển, trong thời gian tới Việt Nam sẽ đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đường quốc lộ; cũng như phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, dự kiến đến năm 2030 chúng ta sẽ có 21 tuyến với tổng chiều dài 6.411 km. Trong đó tiêu biểu nhất là dự án Tuyến cao tốc Bắc-Nam bao gồm Tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông, tổng chiều dài 1.814 km và Tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây, tổng chiều dài là 1.269 km đã và đang triển khai.

Bên cạnh đó, hàng loạt các tuyến cao tốc khu vực phía Nam như: Tuyến cao tốc Biên Hòa (Đồng Nai) – Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) – Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu), dài 76 km; Tuyến cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) – Liên Khương (Lâm Đồng) – Đà Lạt (Lâm Đồng), dài 208 km; Tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một (Bình Dương) – Chơn Thành (Bình Phước), dài 69 km ; Tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài (Tây Ninh), dài 55 km ; Tuyến cao tốc Châu Đốc (An Giang) – Cần Thơ – Sóc Trăng, dài 200 km ; Tuyến cao tốc Hà Tiên (Kiên Giang) – Rạch Giá (Kiên Giang) – Bạc Liêu, dài 225 km ; Tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, dài 150 km sẽ được đầu tư xây dựng trong thời gian tới, góp phần tạo nên hệ thống mạng lưới đường cao tốc đồng bộ, kết nối các vùng kinh tế lớn phía Nam, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội (Hình)

Trích nguồn : https://vnexpress.net/

Do vậy, với yêu cầu và quy mô phát triển mạng lưới đường bộ như trên, rõ ràng nhu cầu về cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực Xây dựng Đường bộ là rất lớn. Để đáp ứng được nhu cầu lớn về nguồn nhân lực như vậy, việc đào tạo sinh viên chuyên ngành Xây dựng Đường bộ là rất cần thiết, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển chung của cả đất nước.

Chuyên ngành Đường bộ là một trong những ngành đào tạo chủ lực của Viện Xây dựng trong hơn 10 năm qua. Các giảng viên ngành Đường bộ là những Thầy, Cô đầy tâm huyết với sinh viên và có trình độ chuyên môn cao, đa số các giảng viên có trình độ Tiến sỹ và được đào tạo từ các nước phát triển như Anh, Pháp, Đức, Nga, Hàn Quốc… Vì vậy, trong suốt thời gian qua, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tự tin tìm việc đúng chuyên ngành đã được học, nhiều sinh viên trường đã trở thành các Kỹ sư có trình độ chuyên môn cao và cán bộ nòng cốt trong các công ty tư vấn, sở ban ngành … đặc biệt là khu vực Miền Trung và phía Nam. Nhiều sinh viên đã trở thành các nhà nghiên cứu khoa học mang tầm quốc tế ở các trường đại học lớn, các viện nghiên cứu trên thế giới như Đại học RMIT (Úc), Đại học Sejong (Hàn Quốc), …

Trường luôn có chiến lược xây dựng chương trình đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, tài liệu học tập, phòng thí nghiệm đầy đủ để phục vụ cho sinh viên có được môi trường học tập tốt nhất để SV sau khi tốt nghiệp ngành Đường bộ không những đạt trình độ cao đúng chuyên ngành của mình mà còn có khả năng thích nghi làm việc ở nhiều ngành thuộc lĩnh vực khác như: Cầu đường, Thủy lợi, Cảng công trình biển, …Bên cạnh đó Nhà trường còn chú trọng tới việc nghiên cứu khoa học trong sinh viên, trang bị cho sinh viên các phần mềm ứng dụng cũng như công nghệ mới trong thiết kế các dự án hạ tầng giao thông (Hình)

Giảng viên và sinh viên CN Xây dựng Đường bộ tham dự các Seminar và hội thảo khoa học

Do đó, sinh viên sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Xây dựng Đường bộ sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để thực hiện công tác chuyên môn tại: Các các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ, các Cục Quản lý Đường bộ, các Sở GTVT và các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng CTGT của các tỉnh/thành, các Ban quản lý dự án của các quận/huyện, …); Các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước về khảo sát, thiết kế, lập dự án, thẩm tra dự án xây dựng công trình giao thông; Các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước về giám sát xây dựng, quản lý dự án, đấu thầu, thi công và tổ chức thi công xây dựng công trình giao thông; Các viện/trung tâm nghiên cứu về phát triển hạ tầng giao thông; Các bộ phận chuyên môn của các nhà đầu tư, các nhà thầu quản lý khai thác công trình giao thông; các cơ sở giáo dục chuyên ngành, …

3. Chuyên ngành XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG ĐÔ THỊ (7580205)

Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển kinh tế mạnh mẽ, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng tại các đô thị lớn, tạo hiệu ứng thúc đẩy đô thị hóa nhanh lan tỏa rộng trên phạm vi các tỉnh, các vùng và cả nước. Nhiều đô thị mới, khu đô thị mới được hình thành và phát triển, nhiều đô thị cũ được cải tạo lại, được nâng cấp hạ tầng cơ sở,… Hệ thống đô thị của Việt Nam đã có bước phát triển lớn từ 629 đô thị vào năm 2009 lên 833 đô thị vào năm 2020 với dân số thành thị chiếm gần 40% tổng dân số cả nước.

Một góc Thành phố mới Thủ Đức

Đô thị hóa nhanh với sức ép gia tăng dân số còn kéo theo cơ sở hạ tầng bị quá tải, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông trong đô thị chưa theo kịp và đang đứng trước thách thức vô cùng lớn như: đất cho giao thống quá thấp với tỷ lệ nhỏ hơn 10% tại các đô thị lớn; hạ tầng giao thông xuống cấp; sự gia tăng nhanh các phương tiện giao thông hàng năm 10-12%; ùn tắc đang là vấn đề nan giải tại các khu đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội; tai nạn giao thông chưa được kiểm soát.
Phát triển đô thị bền vững là mục tiêu chiến lược của các đô thị tại Việt Nam, nền tảng để phát triển đô thị bền vững là hạ tầng giao thông đô thị bền vững với các tiêu chí quan trọng cần đạt được như: tỷ lệ diện tích đất cho giao thông đạt 20-25%, tốc độ lưu thông trong đô thị đạt bình quân 20-25 km/h, vận tải hành khách công cộng chiếm trên 30% tổng lưu lượng … đảm bảo an toàn, tiện lợi và bảo vệ môi trường. Đối với các đô thị lớn nhanh chóng phát triển các phương thức vận tải khối lượng lớn như hệ thống đường sắt đô thị, xe buýt nhanh,…

Qua đó chúng ta có thể thấy nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống hạ tầng giao thông đô thị là rất lớn, với việc xây dựng mới các tuyến đường, nâng cấp mở rộng các tuyến đường hiện hữu, đặc biệt xây dựng hệ thống đường sắt đô thị tại các đô thị lớn của Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Bộ môn Đường sắt-Metro thuộc Khoa Công trình giao thông có đội ngũ giảng viên tâm huyết với nghề nghiệp và có trình độ chuyên môn cao với hơn 70% là tiến sĩ đảm nhiệm đào tạo sinh viên chuyên ngành Xây dựng Công trình giao thông đô thị. Trên cơ sở “Đào tạo theo yêu cầu của xã hội” và “Lấy người học làm trung tâm”, chương trình đào tạo Kỹ sư Xây dựng Công trình giao thông đô thị được xây dựng bài bản theo phương pháp hiện đại. Với mục tiêu đào tạo ra những kỹ sư không chỉ có trình độ cao về chuyên môn mà còn thành thạo những kỹ năng mềm, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể thích ứng nhanh với môi trường làm việc chuyên nghiệp và có khả năng đảm nhận công việc của các ngành gần. Kỹ sư chuyên ngành Xây dựng Công trình giao thông đô thị có thể đảm nhận các vị trí công việc sau: Khảo sát và tư vấn thiết kế, Tư vấn giám sát, Quản lý dự án, Thi công các dạng công trình: Cầu hầm đường sắt đô thị, Nhà ga Metro, Cầu đường ô tô trong đô thị, Hầm giao thông, Hạ tầng kỹ thuật đô thị, Công trình dân dụng và công nghiệp, …

4. Chuyên ngành XÂY DỰNG ĐƯỜNG SẮT – METRO (7580205)

Thông tin chung

Chương trình đào tạo chuyên ngành Xây dựng đường sắt-metro được xây dựng và triển khai nhằm mục tiêu đào tạo cử nhân ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông có phẩm chất chính trị vững vàng, có ý thức tổ chức kỹ luật, đạo đức nghề nghiệp; nắm vững kiến thức cơ bản và chuyên sâu về chuyên ngành Xây dựng đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị.

Mục tiêu đào tạo

Sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng, mức tự chủ và trách nhiệm sau:

Sinh viên được cung cấp kiến thức cơ bản về lĩnh vực xây dựng công trình giao thông, kiến thức chuyên sâu ngành Xây dựng đường sắt-metro và áp dụng vào thực tiễn. Có khả năng tham mưu tư vấn và có khả năng tổ chức thực hiện các công việc liên quan tới ngành xây dựng công trình giao thông và khối ngành xây dựng.

Định hướng nghề nghiệp của sinh viên tốt nghiệp

Sinh viên sau khi tốt nghiệp có khả năng đảm nhận nhiều vị trí công việc sau:

– Cán bộ khảo sát, tư vấn thiết kế, giám sát thi công, thi công, quản lý các dạng công trình đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị;

– Có thể tham gia vào các công việc điều hành, quản lý trong các ban quản lý dự án, các sở, ban, ngành có liên quan đến xây dựng đường sắt-metro nói riêng và các dạng công trình xây dựng khác;

– Ngoài ra sinh viên tốt nghiệp có thể học tiếp các chương trình sau đại học, tham gia công tác giảng dạy và nghiên cứu.

Cơ hội học tập nâng cao trình độ: Học nâng cao trình độ thạc sĩ, tiến sĩ hoặc chuyên sâu theo ngành đào tạo

Văn bằng tốt nghiệp: Bằng Đại học chính quy

Website VIỆN XÂY DỰNG: https://ice.ut.edu.vn/