TÌM HIỂU VỀ NGÀNH KHOA HỌC HÀNG HẢI

1. TÌM HIỂU VỀ NGÀNH KHOA HỌC HÀNG HẢI

Ngành Khoa học hàng hải là ngành học đặc thù liên quan đến hàng hải, đào tạo ra những sinh viên trở thành các sỹ quan hàng hải trong tương lai, làm việc trên các tàu biển hành trình khắp thế giới, bao gồm các tàu vận tải hàng hóa, sản phẩm dầu, khí, hóa chất, vận tải hành khách du lịch, hoặc trên các tàu dịch vụ phục vụ công trình dầu khí, nghiên cứu biển, quốc phòng… Ngoài ra, sinh viên Ngành Khoa học hàng hải có thể lựa chọn làm việc tại các nhà máy đóng tàu, nhà máy lọc hóa dầu, kho xăng dầu, quản lý kỹ thuật tại các Công ty vận tải biển, quản lý tàu biển; làm việc cho các Tổ chức đăng kiểm, cảng vụ hàng hải, đảm bảo an toàn hàng hải, hoa tiêu, hoặc tham gia vào các lĩnh vực bảo hiểm hàng hải, giám định, đại lý tàu, hay các đơn vị dịch vụ, cung ứng vật tư, thiết bị, sửa chữa tàu… Ngành Khoa học hàng hải cũng đào tạo các bậc học sau đại học, giúp học viên trở thành những nhà quản lý hàng hải, nghiên cứu, giảng dạy có chuyên môn sâu rộng.

Mục tiêu của Ngành Khoa học hàng hải đó là đào tạo sinh viên có đủ phẩm chất, kỹ năng và sức khỏe để làm việc trên tàu biển, có chuyên môn vững chắc, phương pháp làm việc khoa học và chuyên nghiệp, kỹ năng thực hành tốt, khả năng thích ứng cao, khả năng giao tiếp tốt và làm việc theo nhóm trong môi trường làm việc mang tính chuẩn quốc tế. Đồng thời, có khả năng sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp với các đồng nghiệp nước ngoài về chuyên môn và những vấn đề xã hội thông thường.

Sinh viên khi theo học Ngành Khoa học hàng hải sẽ được đào tạo và học tập những môn học từ cơ bản đến chuyên ngành, hướng tới mục đích cuối cùng là có một công việc ổn định với mức thu nhập hấp dẫn. Được học lý thuyết song song với thực hành và kỹ năng mềm giúp sinh viên không còn bỡ ngỡ khi tốt nghiệp và làm việc thực tế với nghề.

Cơ hội việc làm Ngành Khoa học hàng hải rất nhiều, nguồn nhân lực dành cho ngành hàng hải và dịch vụ hàng hải đang thiếu hụt nghiêm trọng, 100% sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể dễ dàng tìm kiếm các công việc liên quan đến hàng hải như:

  • Điều khiển, vận hành khai thác tàu biển (Đi tàu, làm việc trên tàu biển).
  • Quản lý kỹ thuật, thuyền viên, an toàn, pháp chế tại các Công ty vận tải biển và Công ty quản lý tàu.
  • Thanh tra, chuyên viên an toàn, pháp chế, thủ tục, VTS (hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải) tại các cơ quan cảng vụ Hàng hải địa phương để giám sát hoạt động an toàn của tàu thuyền khi lưu thông, kiểm tra an toàn đối với các tàu biển, nhằm đảm bảo tình trạng kỹ thuật của các tàu đáp ứng các yêu cầu của công ước SOLAS (Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng trên biển), MARPOL (Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do dầu), cũng như đánh giá khả năng của thuyền viên trong việc vận hành, khai thác, duy tu, bảo dưỡng tất cả trang thiết bị máy móc trên tàu hoặc phát hiện các yếu tố gây mất an toàn cho tàu và người trên tàu. Giám sát, điều tiết tàu thuyền đến, rời và hoạt động tại cảng biển theo kế hoạch điều động; cảnh báo nguy cơ rủi ro gây mất an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và ô nhiễm môi trường.
  • Hoa tiêu dẫn tàu vào ra các cảng biển để trả hàng, tàu khách tham quan du lịch…tại các Công ty dịch vụ hoa tiêu trải dài từ Bắc chí Nam
  • Quản lý vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng và đảm bảo an toàn hàng hải cho các hệ thống đèn biển, hệ thống báo hiệu luồng tàu biển, luồng hàng hải vào các cảng biển, quản lý các công trình chỉnh trị luồng tàu… tại các đơn vị đảm bảo an toàn hàng hải.
  • Đăng kiểm viên giám sát đóng mới, sửa chữa, an toàn kỹ thuật đối với tất cả các loại phương tiện tham gia giao thông như tàu biển, công trình biển tại các Tổ chức đăng kiểm hàng hải.
  • Tham gia làm kiểm định viên tại các đơn vị, tổ chức kiểm định an toàn, kỹ thuật công nghiệp và môi trường, hay làm giám định viên tại các Công ty giám định kỹ thuật, hàng hải, công nghiệp, công trình nổi…
  • Quản lý kỹ thuật, điều hành sản xuất tại các phân xưởng cơ, điện, điện tử của các nhà máy đóng tàu và sửa chữa tàu biển trong hoạt động đóng mới và sửa chữa hoán cải các loại tàu sông, tàu biển, các phương tiện thủy, sửa chữa giàn khoan, các công trình kỹ thuật thủy, cần cẩu, kết cấu thép và các thiết bị nâng các loại; thiết kế kỹ thuật và thiết kế công nghệ các loại phương tiện thủy, phương tiện giao thông vận tải khác, thiết bị công trình biển và các sản phẩm công nghiệp.
  • Quản lý kỹ thuật tại các Đơn vị dịch vụ hàng hải, kỹ thuật điện, vô tuyến điện, điện tử hàng hải, cung ứng vật tư thiết bị hàng hải, lương thực, thực phẩm, bảo dưỡng các hệ thống, thiết bị cứu sinh cứ hỏa trên tàu, sửa chữa máy móc, thiết bị, hệ động lực trên tàu, đại lý tàu biển…
  • Chuyên gia kỹ thuật, vận hành, điều khiển, bảo dưỡng các hệ thống máy móc, thiết bị tại các nhà máy lọc hóa dầu, kho xăng dầu, các nhà máy sản xuất trong các khu công nghiệp dân dụng, các nhà máy sản xuất sắt thép, xi măng, lắp ráp ô tô, các nhà máy sản xuất, chế tạo máy móc công nghiệp, thiết bị điện, điện tử, thiết bị đo lường điều khiển…
  • Bạn có thể làm việc tại các cơ sở nghiên cứu an toàn hàng hải, các cảng biển, khai thác cảng, làm chuyên gia tư vấn các lĩnh vực liên quan đến hàng hải, giảng dạy tại các trường đại học cao đẳng có đào tạo ngành Khoa học hàng hải.

2. CƠ HỘI VIỆC LÀM CỦA NGÀNH KHOA HỌC HÀNG HẢI 

Cơ hội việc làm sau khi bạn tốt nghiệp và cầm trên tay tấm bằng chuyên Ngành Khoa học hàng hải thực sự rất rộng mở. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận nhiều vị trí tại các cơ quan khác nhau như:

  • Giảng dạy ở trường đại học có đào tạo ngành hàng hải.
  • Đi tàu (Điều khiển, vận hành khai thác tàu biển).
  • Hoa tiêu tại các Công ty dịch vụ hoa tiêu hàng hải.
  • Quản lý kỹ thuật, an toàn, pháp chế tại Công ty vận tải biển, quản lý tàu biển.
  • Chuyên viên kỹ thuật tại Công ty Đảm bảo an toàn hàng hải.
  • Đăng kiểm viên tại các Tổ chức đăng kiểm hàng hải.
  • Kiểm định viên tại các Tổ chức, Công ty kiểm định an toàn, kỹ thuật, công nghiệp, môi trường.
  • Giám định viên tại các Tổ chức, Công ty giám định hàng hải, công nghiệp dân dụng, xăng dầu, công trình thủy…
  • Chuyên viên bảo hiểm, giám định bồi thường tại các Công ty Bảo hiểm hàng hải.
  • Quản lý cảng biển, điều độ cảng, kho bãi, lập kế hoạch, dự án vận hành, khai thác chuỗi cung toàn cầu và vận tải đa phương thức.
  • Quản lý kỹ thuật viên tại các Công ty dịch vụ cơ, điện, điện tử hàng hải, sửa chữa tàu, cung ứng vật tư, thiết bị hàng hải.
  • Chuyên viên, quản lý  kỹ thuật, vận hành điều khiển máy móc, thiết bị, hệ thống tại Nhà máy lọc hóa dầu, kho xăng , dầu, nhà máy sản xuất, chế tạo, khu công nghiệp…
  • Chuyên viên, quản lý kỹ thuật, điều hành sản xuất tại các nhà máy đóng, sửa chữa tàu biển.
  • Chuyên gia tư vấn về các lĩnh vực liên quan đến hàng hải.

3. MỨC LƯƠNG NGÀNH KHOA HỌC HÀNG HẢI

Cũng giống như những ngành nghề khác thì thu nhập Ngành Khoa học hàng hải cũng phụ thuộc nhiều vào số năm kinh nghiệm làm việc của bạn. Đối với những sinh viên mới ra trường bạn sẽ nhận được mức lương khởi điểm từ 17 đến 20 triệu đồng/ 1 tháng (đối với công việc đi tàu) hoặc 10 đến 15 triệu đồng/ 1 tháng đối với các công việc trên bờ. Khi trau dồi được nhiều kỹ năng làm việc và tích lũy kinh nghiệm, mức lương cũng vì thế mà được tăng lên theo cấp số nhân.

Mức lương ngành đi biển (đánh thuê cho chủ tàu nước ngoài):

Bộ phận boong Số năm đi biển Lương (USD/1 tháng)
Thủy thủ OS 0 500 – 700
Thủy thủ AB 1 – 2 800 – 1.300
Thủy thủ trưởng > 2 1.200 – 1.500
Sỹ quan phó 3 3 2.000 – 2.500
Sỹ quan phó 2 4 2.500 – 3.000
Sỹ quan đại phó 5 3.000 – 4.000
Thuyền trưởng > 5 5.000 – 6.000
Bộ phận boong Số năm đi biển Lương (USD/1 tháng)
Thợ máy OS 0 500 – 700
Thợ máy AB 1 – 2 800 – 1.300
Thợ cả > 3 1.200 – 1.500
Sỹ quan máy 4 3 2.000 – 2.500
Sỹ quan máy 3 4 2.500 – 3.000
Sỹ quan máy 2 5 3.000 – 4.000
Máy trưởng >5 5.000 – 6.000
Bộ phận điện Số năm đi biển Lương (USD/1 tháng)
Thợ điện 0 500 – 700
Thợ điện 1 – 2 1.000 – 1.500
Sỹ quan điện tàu > 3 2.500 -3.000

Mức lương ngành làm việc trên bờ:

  • Sinh viên mới ra trường: bình quân 10 – 15 triệu / 1 tháng
  • Kinh nghiệm sau 3 năm làm việc: 15 – 20 triệu / 1 tháng
  • Kinh nghiệm sau 5 năm làm việc: bình quân 25 – 40 triệu / 1 tháng

4. NHỮNG TỐ CHẤT PHÙ HỢP VỚI NGÀNH KHOA HỌC HÀNG HẢI

Học tập và làm việc ở bất cứ công ty hay lĩnh vực nào đi chăng nữa bạn cũng cần phải có kiến thức và phẩm chất, đạo đức. Trong Ngành Khoa học hàng hải bạn cần có:

  • Có động lực, mục tiêu học tập và ý chí vươn lên (nếu thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn).
  • Có sức khỏe, khả năng chịu đựng vất vả (sóng gió, nắng), cường độ lao động cao, không ngại khó khăn.
  • Có khả năng tự học, đọc hiểu tài liệu kỹ thuật, sách vở.
  • Có tinh thần làm việc tốt, ham học hỏi, ham làm.
  • Có lòng yêu biển cả, nghề hàng hải, đam mê và gắn bó lâu dài với nghề nghiệp.
  • Mong muốn được khám phá nhiều nơi trên thế giới, giao lưu với nhiều nền văn hóa khác nhau, tiếp xúc với nhiều quốc gia, con người ở mọi miền đất nước và trên khắp thế giới.
  • Biết phối hợp làm việc nhóm, có kỹ năng mềm, biết tổ chức, quản lý và làm việc khoa học, hiệu quả.
  • Khả năng giao tiếp tốt.
  • Học tập và rèn luyện trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh) để giao tiếp tốt và sử dụng như ngôn ngữ chính thức trong công việc.
  • Học tập và rèn luyện khả năng sử dụng tin học văn phòng một cách thành thạo.